Việt Nam ngày càng phát triển trên thị trường kinh doanh (cả offline và online) và việc nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để tăng doanh thu là chiến lược mà hầu hết các nhà kinh doanh đã biết. Nhưng ai cũng biết không có nghĩa là mọi người đều làm được. Đặc biệt là ở trong kỷ nguyên của “người tiêu dùng thông minh” và “giỏ hàng cảm xúc” ngày nay.
Bài viết này chính là bàn đạp giúp bạn phần nào xác định được bản kế hoạch chi tiết của chiến lược “Quăng cần câu cảm xúc”. Nhưng trước hết, hãy cùng tìm hiểu một chút về cảm xúc trong hành vi người tiêu dùng.
Cảm xúc (Emotion) trong hành vi khách hàng là gì?
Cảm xúc được định nghĩa như sức mạnh hay sự không kiểm soát được của cảm giác ảnh hưởng đến hành vi con người.
Vậy cảm xúc trong hành vi khách hàng chính là cảm giác muốn hoặc không muốn mua sản phẩm, tuy nhiên cảm giác này không phải không kiểm soát được, mà có thể kiểm soát nhưng rất khó.
Một vài yếu tố tác động đến cảm xúc người tiêu dùng
1. Quảng cáo
“Quảng cáo” xứng đáng đứng đầu danh sách đang liệt kê, bởi tính lan toả và tác động tâm lý của nó. Mặc dù quảng cáo đôi khi đem lại phiền phức cho người xem trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng các nội dung, hình ảnh, âm thanh, chất lượng của quảng cáo ngày càng được nâng tầm bởi những nhà tiếp thị sáng tạo, khiến cho càng nhiều người xem ấn tượng và không thể ấn nút “skip” (bỏ qua).
2. Tính cách thương hiệu
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng người tiêu dùng cảm nhận những loại đặc điểm tính cách ở thương hiệu giống như tính cách của con người. Vì vậy, sẽ có những tính cách thương hiệu làm cho khách hàng cảm thấy cảm tình hơn số khác.
Bao bì, hình ảnh trực quan và các loại từ ngữ được sử dụng để mô tả thương hiệu chính là chìa khoá để hình thành nên một tính cách thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Hãy lưu ý chúng.
3. Câu chuyện thương hiệu
Yếu tố này không quyết định hành vi mua hay không mua của khách hàng. Nhưng nó chính là yếu tố quan trọng để họ dừng lại ở thương hiệu của bạn và ngắm nghía nó một chút. Một câu chuyện thương hiệu cảm động, nhân văn hoặc hài hước sẽ giúp tên thương hiệu của bạn ghi dấu ấn cảm xúc trong lòng khách hàng.
4. Feedback
Quảng cáo, tính cách thương hiệu hay câu chuyện thương hiệu có xuất sắc đến đâu mà feedback không tốt thì sản phẩm đó cũng sẽ bị người tiêu dùng cho “ra khỏi giỏ”. Suy cho cùng ưu tiên về công dụng của sản phẩm vẫn được khách hàng đặt ở trung tâm cảm xúc.
Ví dụ điển hình
Knorr là thương hiệu rất biết cách tận dụng những bối cảnh liên quan đến công dụng để ghi dấu cảm xúc người tiêu dùng. Cảm xúc mà người tiêu dùng không thể quên mỗi khi nhắc đến Knorr chính là cảm xúc ấm áp, hạnh phúc bên gia đình.
Ngoài kinh doanh những sản phẩm cụ thể như hạt nêm ở ví dụ trên, thị trường Việt Nam còn rất thịnh hành kinh doanh “sàn thương mại điện tử”. Mà ví dụ gần đây nhất trong chiến lược tác động tâm lý người tiêu dùng chính là Lazada.
Tháng 6 vừa qua, Lazada đã công bố định vị thương hiệu mới: “Thêm vào giỏ hàng, thêm ngàn cảm xúc”. Slogan này không những gây sự tò mò về giao diện mới của hãng và cách “thêm cảm xúc vào giỏ hàng” mà còn thúc đẩy sự phấn khích của người mua khi đếm ngược từng giây chờ thời điểm giảm giá “khủng” để mua sắm những món hàng mình yêu thích; sự hồi hộp khi nhận và mở thùng hàng; cảm giác trọn vẹn khi tận tay lựa chọn, sắm sửa và chăm sóc người thân ở xa; cảm giác hứng khởi khi nghĩ về cơ hội “mở khóa” món đồ vừa mua,…