Khi mang món ăn ra bàn, nhiều khách đứng lên đón, liên tục cảm ơn, có khách còn tự phục vụ… Cao Anh hiểu bà đã quá già để làm nghề bồi bàn.
Vốn là nông dân, không có bằng cấp nên công việc bồi bàn là điều mà bà chưa bao giờ nghĩ tới. Ba năm trước, Cao đến nhà hàng xin rửa bát. Vì biết đặt món bằng máy tính bảng nên bà được đôn lên vị trí bồi bàn do thiếu người. Từ thời điểm đó, Cao trở thành người phục vụ lớn tuổi nhất tại nơi làm việc.
Không biết chữ nên cơ hội việc làm của Lưu Chí Hoa, người cùng tuổi và cùng xuất thân với Cao Anh trở nên khó khăn. Mới học đến lớp 2, ông không dám xin làm bảo vệ bởi công việc này cần ghi lại biển số xe và điều chỉnh máy tính, việc một người như ông khó tiếp cận.
Trước đây, Lưu Chí Hoa chỉ làm những công việc tay chân như thợ xây, đóng gạch, thu hái bông… cho đến khi ông bị gãy chân trên công trường, không thể làm việc nặng. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục, Lưu bắt đầu tìm công việc mới.
Cao Anh và Lưu Chí Hoa là một trong những người thuộc nhóm “4050” – nhóm những người gặp khó khăn khi tìm việc làm. Tên gọi này chỉ những lao động trên 50 tuổi với nam và trên 40 tuổi với nữ, rất cần việc nhưng do kỹ năng kém nên họ chỉ có thể tham gia những công việc như dọn dẹp, trông trẻ, bồi bàn, công nhân lắp ráp….
Lưu Chí Hoa nghĩ, dọn dẹp có lẽ thích hợp với mình. Nhưng với các ông chủ, nghề này hợp với phụ nữ hơn. Sau 6 tháng tìm việc, Lưu được nhận là công nhân thu gom rác trong bệnh viện, mỗi ngày vận chuyển hơn 200 bao rác y tế. Những túi nilong đen trong phòng chứa rác của bệnh viện đều ẩn chứa nhiều bí ẩn với người đàn ông này. “Tôi không biết chiếc túi nào chứa kim tiêm nên đã bị đâm nhiều khi nhặt nó lên. Nói chung rất sợ”, Lưu nói. Tháng 8 vừa qua, ông quyết định nghỉ việc và xin dọn vệ sinh tại một trung tâm thể hình.
Theo số liệu thống kê về phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội Trung Quốc năm 2020, số lượng việc làm ngành dịch vụ tăng liên tục 5 năm qua. Tốc độ tăng trưởng cao đồng nghĩa sẽ thu hút một lượng lớn lao động tham gia, trong đó có thế hệ “4050”.
Ngày Từ Tiểu Cân đến trung tâm thương mại ở tỉnh Cam Túc xin việc là 21/12 âm lịch, cận kề năm mới. Dù vậy cô vẫn trân trọng cơ hội việc làm này. Sau khi đóng cửa hàng quần áo do ế ẩm, Từ cảm thấy lo lắng: “Tôi đã làm việc cả đời, giờ không thể ngửa tay xin tiền chồng”.
Cửa hàng Từ làm việc chuyên kinh doanh túi da, khăn lụa, mũ nón và các phụ kiện quần áo. Ở đó họ không quan tâm đến độ tuổi mà chỉ coi trọng kinh nghiệm bán hàng. Đây là cơ hội hiếm có, cũng như là lợi thế duy nhất của Từ trên thị trường lao động. Khi còn trẻ, Từ kinh doanh quần áo, lúc thịnh vượng nhất mở hai cửa hàng. Khi mua sắm trực tuyến lên ngôi, công việc kinh doanh ngày càng sa sút, dẫn đến đóng cửa.
Tính đến tháng 3 năm 2020, số hộ công nghiệp và thương mại cá thể tại Trung Quốc đã tăng lên 95,864 triệu. Chuyển phát nhanh, đồ ăn mang đi, trà sữa, điện thoại di động và đào tạo trở thành những ngành mới nổi phổ biến ở đất nước tỷ dân này.
Từ Tiểu Cân không phải là người duy nhất thất bại khi tự kinh doanh. Triệu Nhã Linh, một người hơn cô 2 tuổi cũng phải đóng nhà hàng 6 tháng trước. Khi thất nghiệp, nhiều lúc Triệu tự hỏi, tuổi già đang đến gần, nếu không kiếm được việc làm, sau này cuộc sống biết dựa vào đâu.
Từ suy nghĩ này, Triệu Nhã Linh, người từng là giáo viên tiểu học, chủ một nhà hàng quyết định trở thành sinh viên khi bước sang tuổi 50.
Trong lớp sinh viên năm nhất của trường trung cấp y học dân tộc chuyên nghiệp thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Triệu được đánh giá chăm chỉ nhất. Người mẹ hai con nói, cô muốn thành thạo châm cứu và xoa bóp để mở phòng khám riêng. Tuy nhiên để thực hiện được ước mơ, Triệu phải vượt qua kỳ thi nghiêm ngặt của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc.
Nhiều bạn bè hỏi: “Nếu thi trượt thì sao?”, Người phụ nữ mỉm cười đáp: “Sẽ thi lại vào năm sau”. Triệu nói, cô phải làm việc để thấy mình không phải là kẻ vô dụng.
Mặc dù theo lý thuyết 8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson, 40 hay 50 vẫn đang ở độ tuổi trưởng thành và đóng vai trò trụ cột của gia đình. Nhưng từ khi mất việc, Cao Anh cảm thấy bản thân bị xa lánh, trở thành gánh nặng.
Cảm giác này lần đầu xuất hiện sau khi ba đứa con lần lượt kết hôn. Như thể nhiệm vụ trong đời đã hoàn thành, không còn gì để làm, mà “chỉ ngồi chờ chết”. Nhưng người phụ nữ này không chấp nhận như vậy, bà bắt đầu tìm việc dù chồng phản đối gay gắt. “Ông ấy ghen tị vì không thể tìm được công việc ở tuổi 60”, Cao nói.
Đôi khi làm việc, người phụ nữ này cảm nhận được gánh nặng tuổi tác như mắt mờ, trí nhớ không tốt. Lúc bận nhất, bà phải một mình phục vụ 5 bàn. Khi thức ăn mang ra, có lúc Cao không nhớ nổi món này là của bàn nào.
Tìm việc ở tuổi ngoài 50, Cao gần như cắt đứt liên lạc với người làng. Trong mắt bà con lối xóm, tuổi cao vẫn làm phục vụ là điều gì đó đáng hổ thẹn. Cao không muốn bị mọi người nói như vậy, bởi bà thấy nghề nghiệp của mình “không phải thứ gì đó vô liêm sỉ”.
“Mặc kệ người khác nhìn mình thế nào, tôi chỉ làm những việc nên làm”, Cao nói.
Muốn gặp gỡ mọi người là lý do chính khiến Từ Tiểu Cân cần phải làm việc. Sau khi phá sản và đóng cửa hàng, bà ngày càng ít tiếp xúc với bạn bè trong lĩnh vực kinh doanh, bởi ai cũng có cuộc sống riêng.
Kể từ năm ngoái, Từ cảm thấy các triệu chứng mãn kinh trở nên rõ ràng như hay nổi nóng và bốc hỏa. Nhưng vài giờ đầu tiên làm việc tại trung tâm thương mại, cô cảm thấy dễ chịu hơn. “Nhìn thấy mọi người qua lại tấp nập, tôi cũng thấy vui và bớt cô đơn”.
Giống như Cao Anh, điều đáng sợ nhất với Lưu Chí Hoa là trở nên vô dụng khi vẫn có thể làm việc. Bởi vậy, dù tuổi ngày càng cao, nghề lau dọn không còn phù hợp nhưng ông không quá bận tâm.
“Được làm việc, trong lòng tôi thanh thản, bởi hiểu mình vẫn còn đủ sức để không phụ thuộc ai”, ông nói.
Vy Trang (Theo QQ)