OpenAI là một tổ chức phi lợi nhuận ra mắt vào năm 2015 tại San Francisco và được thành lập bởi Elon Musk và Sam Altman. Sứ mệnh của OpenAI là bảo đảm trí tuệ nhân tạo nói chung sẽ mang lại lợi ích cho toàn nhân loại một cách toàn diện và không mong cầu lợi nhuận. Nói một cách ngắn gọn, OpenAI được xem như một bộ máy kiểm soát tốc độ phát triển của AI.
1. Chi tiết hơn về OpenAI
Bộ máy đứng đầu
Đồng chủ tịch của OpenAI là Sam Altman và Elon Musk.
Giám đốc nghiên cứu của OpenAI là Ilya Sutskever, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về học máy (Machine learning).
Giám đốc công nghệ là Greg Brockman, từng là Giám đốc công nghệ của Stripe – một công ty công nghệ tại Hoa Kỳ.
Các thành viên sáng lập khác bao gồm các nhà khoa học và kỹ sư nghiên cứu tầm cỡ thế giới: Trevor Blackwell, Vicki Cheung, Andrej Karpathy, Durk Kingma, John Schulman, Pamela Vagata và Wojciech Zaremba. Pieter Abbeel, Yoshua Bengio, Alan Kay, Sergey Levine và Vishal Sikka là các cố vấn.
Đứng sau OpenAI là Sam, Greg, Elon, Reid Hoffman, Jessica Livingston, Peter Thiel, Amazon Web Services (AWS), Infosys và YC Research – những nhà đầu tư hỗ trợ OpenAI với cam kết tài trợ 1 tỷ đô la.
Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 2018, Elon Musk đã rời công ty do những xung đột tiềm ẩn liên quan đến Tesla. Song, Musk vẫn tiếp tục quyên góp cho mục đích phi lợi nhuận của mình và là một cố vấn đắc lực của OpenAI.
Sứ mệnh
Công ty nghiên cứu phi lợi nhuận – OpenAI nhắm đến mục tiêu nâng cao trí thông minh kỹ thuật số để mang đến nhiều lợi ích nhất cho toàn thể nhân loại mà không màng đến món hời “kinh tế”.
OpenAI được tạo ra một phần vì những lo ngại của những người sáng lập về khả năng xảy ra thảm họa do sự bất cẩn và lạm dụng AI có mục đích của con người. Công ty tập trung dài hạn vào những tiến bộ cơ bản trong AI và các khả năng của nó. Hai người sáng lập công ty và các nhà đầu tư khác đã thành lập công ty với số vốn tài trợ là 1 tỷ USD.
Nguồn: techtarget.com
2. OpenAI hứa hẹn một kho tàng tài liệu nghiên cứu công khai
Dù các hệ thống AI ngày nay vẫn còn nhiều hạn chế nhưng chúng ta cũng bắt đầu nhận thấy những lợi ích của nó và dần hình dung được AI có thể gây hại cho xã hội nếu nó được xây dựng hoặc sử dụng không đúng cách.
Mọi người dường như đều thắc mắc liệu trái đất sẽ như thế nào nếu hậu quả tiêu cực của AI trong phim khoa học viễn tưởng trở thành sự thật. Song, chúng ta không chỉ vẽ trước viễn cảnh đó, mà còn làm những điều lớn lao để ngăn chặn trường hợp xấu nhất. Và đại diện thực hiện nhiệm vụ này chính là công ty OpenAi.
Có lẽ bởi vì lý do đó, OpenAI khuyến khích các nhà nghiên cứu của tổ chức xuất bản các công trình nghiên cứu của họ dưới dạng bất kỳ hình thức nào (bài báo, bài đăng blog, code, phát minh sáng chế). Việc công khai các công trình nghiên cứu trong tương lai sẽ mang đến một nguồn dữ liệu phong phú về AI, giúp con người kiểm soát tốc độ phát triển của AI và những rủi ro có thể xảy ra trong ngành.
3. OpenAI có thật sự là tổ chức phi lợi nhuận?
Bất cứ tổ chức phi lợi nhuận nào cũng cần vốn để xây dựng và đầu tư vào các dự án. Mặc dù những người đứng đầu OpenAi và hội các nhà đầu tư đều là những người có tiếng tăm trong giới siêu giàu của thế giới, nhưng dòng tiền duy trì các công trình nghiên cứu khổng lồ về ngành trí tuệ nhân tạo đắt đỏ này vẫn trở thành vấn đề với họ. OpenAI đã từng là một tổ chức phi lợi nhuận thành lập bởi sự cao cả và niềm đam mê của những người đứng đầu tổ chức. Nhưng có lẽ bởi vì lý do kể trên mà OpenAI không thể tiếp tục giữ mác “tổ chức phi lợi nhuận” nữa.
Theo augustman.com, đến năm 2019, OpenAI đã chuyển từ một tổ chức phi lợi nhuận trở thành một tổ chức vì lợi nhuận. Trong một blog, OpenAI cho biết, “Chúng tôi muốn tăng khả năng huy động vốn trong khi vẫn phục vụ sứ mệnh của mình; tuy nhiên không có cấu trúc pháp lý nào hiệ có thể cho phép sự cân bằng phù hợp này. Giải pháp của chúng tôi là tạo OpenAI LP là một công ty kết hợp giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận – hay chúng tôi gọi đó là công ty ‘có giới hạn lợi nhuận’.”
Với OpenAI LP, các nhà đầu tư có thể kiếm được số tiền gấp 100 lần số vốn họ đã bỏ ra nhưng sẽ không vượt quá con số đó. Phần lợi nhuận còn lại sẽ dành cho các hoạt động phi lợi nhuận.