Sai lầm của các nhà lãnh đạo ít kinh nghiệm

Bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng đặt ra mục tiêu vươn lên vị trí C-level (như CEO, CFO hay COO). Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng điều này không đơn giản và phải cần một kế hoạch chỉnh chu cho bản thân để đạt được nó. Kế hoạch này không có số liệu, cũng không có thời gian và địa điểm cụ thể, mà chỉ bao gồm những nguyên tắc, ghi chú mà nhà lãnh đạo tự đặt ra để bản thân trở thành một nhà lãnh đạo giỏi và tối thiểu hoá việc mắc sai lầm.

Chúng tôi không thể viết ra một bản kế hoạch chi tiết cho chặng đường trở thành nhà lãnh đạo giỏi cho bạn. Vì vậy, trong bài viết này, bạn sẽ được nhìn rõ những lỗi nghiêm trọng thường mắc phải của các lãnh đạo ít kinh nghiệm, từ đó tự lập ra những nguyên tắc phù hợp cho bản thân.

1. Thiếu tự tin

Bước ra khỏi vùng an toàn để đặt chân đến một thử thách mới luôn khiến cho mọi người (kể cả những người ưa thích mạo hiểm) phải lo lắng. Thử thách của bạn là điều hành, quản lý nhân viên một cách hiệu quả. Và bạn đang lo lắng về khả năng của mình, hoặc một vài khía cạnh công việc nào đó mà bạn chưa từng tiếp xúc.

Tuy nhiên, có một sự thật là mọi người sẽ không quá khắt khe với những lỗi đầu tiên của bạn nếu bạn có vô tình mắc phải. Bởi mặc dù bạn được ngồi tại vị trí này là có lý do chính đáng nhưng không phải ai cũng là thần đồng trong lĩnh vực mà họ giỏi. Vì vậy, hãy tự tin với năng lực của mình tại môi trường mới.

2. Xoá bỏ khoảng cách

Nhiều nhà lãnh đạo trẻ nghĩ rằng tốt nhất là nên tạo một môi trường làm việc thoải mái nhất cho nhân viên. Và thế là họ cố gắng trở thành bạn tốt của nhân viên.

Tuy nhiên, thực tế là có nhiều cách để tạo thiện cảm với mọi người, chẳng hạn như “công tư phân minh”. Bạn có thể trở thành một người bạn tâm giao với mọi người, nhưng nhất định phải là một người sếp uy quyền khi cần. Bởi nếu bạn hoàn toàn thả lõng, thái độ của nhân viên đối với bạn sẽ trở nên thiếu nghiêm túc. Hãy nhớ, cả một tập thể cần một người đứng đầu, dẫn dắt và giúp họ phát triển “với một thái độ tích cực” chứ không phải một người bạn tốt bụng.

3. Làm việc độc lập

Đây là lỗi nghiêm trọng rất thường mắc phải của các nhà lãnh đạo, ngay cả những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm. Có thể bạn tin rằng mình giỏi làm việc độc lập hơn là với đội nhóm, bởi bạn là người cầu toàn, tin và thấy rằng chẳng ai có thể mang lại kết quả hoàn hảo ngoại trừ bản thân bạn.

Nhưng trên thực tế, những nhà lãnh đạo giỏi phân công nhiệm vụ cho nhân viên của mình ngay cả khi họ biết họ dư sức hoàn thành xuất sắc đầu việc đó. Việc phân công chính là sứ mệnh mà bạn phải thực hiện – sứ mệnh giúp nhân viên của mình phát triển. Và làm việc độc lập chỉ giúp bạn trở thành một nhân viên xuất sắc chứ không giúp trở thành một nhà lãnh đạo giỏi.

4. Quá quyết đoán

Trái ngược với lỗi thứ nhất, có rất nhiều người vô cùng tự tin với khả năng của mình khi được ngồi vào vị trí mới. Vì vậy, họ thường đưa ra các quyết định lớn một cách nhanh chóng.

Hãy dành thời gian để tìm hiểu những nguyên tắc cơ bản về công việc, hoạt động của toàn nhóm và toàn bộ doanh nghiệp. Với những quyết định lớn, hãy suy nghĩ kỹ, tìm ra nguyên nhân và những rủi ro có thể xảy ra khi chọn bất kỳ phương án nào. Với những quyết định quá lớn, bạn có thể xem xét các ý kiến đóng góp của nhân viên thay vì tự đấu tranh.

5. Quản lý khắt khe

Bạn sẽ rất khó nhận ra sự khắt khe của mình nếu mắc phải lỗi này. Bởi thông thường, người lãnh đạo sẽ gắn với hình tượng nghiêm túc, và có chút đáng sợ. Vậy nên có rất nhiều người hiểu sai về phong cách làm việc của các nhà lãnh đạo tài ba.

Quản lý khắt khe tức là bạn luôn muốn biết mọi tình trạng và chi tiết, đồng thời chỉ đạo mọi đầu công việc mà không để nhân viên có quyền tự chủ. Điều này không chỉ gây áp lực và không thoải mái, nó còn báo hiệu sự không tin tưởng của bạn với nhân viên của mình. Tránh mắc phải lỗi này nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *