Tại sao người ta luôn đề cao văn hoá doanh nghiệp như vậy? Đó là vì một văn hoá doanh nghiệp tốt có thể “giảm thiểu” nạn “gian lận”. Đúng vậy, chúng ta chỉ dùng từ “giảm thiểu” bởi bất cứ doanh nghiệp lớn, nhỏ nào cũng có thể tiềm ẩn rủi ro gian lận.
Chúng ta không xét về đạo đức nghề nghiệp và hình thức xử lý của các hành vi gian lận trong kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp nữa. Vì các nhà lãnh đạo và chủ doanh nghiệp thừa sức biết được. Song trên thực tế, các hành vi gian lận thường không được các cấp cao nhìn thấy, mà do đồng nghiệp của người gian lận phát hiện.
Nếu chẳng may bạn chính là người đồng nghiệp trong trường hợp vừa nêu, bạn sẽ làm gì?
1. Có chắc là…?
Dấu hiệu gian lận đôi khi bị nhận định sai dẫn đến hậu quả xấu nếu như bạn không tìm hiểu kỹ đó có thật sự là hành vi gian lận hay không. Vì vậy, khi bắt gặp đồng nghiệp có dấu hiệu đáng ngờ, hãy đặt câu hỏi “Có chắc là đồng nghiệp của mình đã gian lận không?”. Và đừng chỉ đặt câu hỏi, mà hãy suy xét và tìm hiểu nguyên nhân để nhìn nhận vấn đề một cách bao quát hơn.
*Lưu ý: Đừng để sự nhầm lẫn giữa “gian lận” và “dùng chiêu” (nghĩa tốt) ảnh hưởng đến kết luận của bạn về hành vi của đồng nghiệp nhé! Đôi khi trong công việc, chúng ta cần một vài chiêu hoặc thủ thuật để hoàn thành công việc một cách thông minh hơn mà không ảnh hưởng đến quy tắc đạo đức hay nghề nghiệp nào.
2. Tìm bằng chứng
Hiển nhiên, việc người khác gian lận chả liên quan gì đến mình, và mình cũng chẳng nên rước hoạ vào thân khi dính đến những vụ việc rắc rối ấy.
Tuy nhiên, bạn có biết rằng những vụ gian lận lớn đều bắt nguồn từ những hành vi gian lận nhỏ mà chẳng ai thèm quan tâm. Thêm vào đó, tổng thể doanh nghiệp giống như vỏ chắn của các thành viên trong đó, nếu lớp ngoài có một vết nứt hoặc bị phá vỡ thì chắc chắn bên trong cũng không thể bình yên. Vậy há chẳng phải hành vi gian lận của đồng nghiệp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp của bạn sao?
Đó là lý do bạn không nên ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh đồng nghiệp gian lận, và phải đi tìm bằng chứng trước khi thực hiện bước tiếp theo.
3. Nói chuyện trực tiếp với đồng nghiệp gian lận
Khi đã xác thực được hành vi gian lận, để chắc chắn thêm một lần nữa và hiểu được tường tận sự việc, bạn có thể chọn cách chia sẻ với đồng nghiệp gian lận.
Sau khi nói chuyện chân thành với họ, bạn có thể trở thành người kéo họ ra vũng lầy hoặc không. Nhưng nếu là không, hãy nhớ rằng bạn đã thực hiện hết sứ mệnh của một người đồng nghiệp tốt. Và giờ là lúc thực hiện sứ mệnh của một nhân viên mẫu mực.
4. Phương án tối ưu
Kể cả mối quan hệ giữa bạn và người gian lận có xấu đến mức nào, bạn cũng không nên tố cáo họ công khai với mục đích “bỏ ghét”. Bởi nếu làm vậy, bạn không những chỉ dùng hình thức chơi xấu để đạp đổ sự nghiệp của họ, mà còn gây hại đến danh tiếng và các mối quan hệ xã hội của đồng nghiệp. Và quan trọng hơn, điều này cũng không giải quyết được vấn đề tận gốc rễ, căn cốt của nó.
Vậy phương án tối ưu là gì?
Trong trường hợp xét thấy mức độ của hành vi gian lận không quá nghiêm trọng, bạn có thể hành động để phòng tình huống xấu xuất phát từ việc gian lận của đồng nghiệp sẽ xảy ra với mình, trong khi chọn phương pháp khuyên bảo họ.
Ngược lại, nếu vụ việc vượt quá tầm với của bạn và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, bạn nên trao đổi trực tiếp với sếp. Đừng quên mang theo bằng chứng xác đáng và chắc chắn rằng sếp của bạn là một người chịu lắng nghe và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.