Đòi sếp tăng lương, được gì và mất gì?

Đã bao giờ bạn có suy nghĩ muốn được tăng lương, tăng cấp bậc? Vâng, hẳn là ai cũng luôn nung nấu ý nghĩ này trong tâm trí, bởi 4 chữ “cơm, áo, gạo, tiền” đã tự nhiên hằn sâu trong tiềm thức của bạn.

Nếu bạn đang có ý định đề nghị doanh nghiệp tăng lương vì thâm niên làm việc đã nhiều năm, hoặc vì năng lực làm việc của bạn “tốt” theo cách mà bạn tự nhìn nhận, thì hãy đọc hết câu chuyện bên dưới đây trước khi hành động.

Câu chuyện tăng lương

Chị H – Một nhân sự của phòng đối ngoại trong một doanh nghiệp, đã đảm nhiệm vị trí này hơn 3 năm. Dạo gần đây chị cảm thấy rất bứt bối bởi chứng kiến một nhân viên “mới” nhưng lại được tuyển vào bộ phận đối ngoại với mức lương và thứ bậc cao hơn một người cống hiến cho công ty lâu năm như chị.

Thế nên, hôm nay chị lấy hết can đảm và sự uất ức để đến gặp trực tiếp sếp. Chị hỏi:

– “Em biết chuyện này hơi tế nhị và cũng khá khó đề nghị với người biết nhìn người như sếp. Nhưng em phải nói.”

Giám đốc có vẻ khá ngạc nhiên:

– “Việc gì vậy? Em cứ nói đi.”

Chị H trình bày trong nghẹn ngào:

– “Như sếp biết, em đã làm việc tại đây hơn 3 năm. Em tin sếp đã và đang chứng kiến sự nỗ lực cũng như những gì em đã cống hiến cho công ty mình. Nhưng gần đây em rất buồn sếp, vì em có trình độ chuyên môn cao mà mãi không được tăng lương, còn một nhân viên mới vào không những được đảm nhiệm vị trí cao hơn em mà còn được tăng lương chỉ trong vòng vài tháng. Hay là em không được ở điểm nào? Sếp cứ phê bình để em còn cải thiện.”

Người sếp im lặng vài giây rồi lạnh lùng đáp:

– “Việc này chúng ta bàn sau được không? Vì hiện tại tôi đang có công việc gấp cần giải quyết, nếu không thì em có thể giúp tôi xử lý việc này ngay bây giờ không? Đây là nhiệm vụ quan trọng.”

Chị H mắt sáng rực:

– “Được sếp tin tưởng thì hay quá. Là nhiệm vụ gì ạ?”

Sếp trả lời:

– “Một khách hàng sẽ đến công ty để kiểm tra tình trạng sản phẩm, em có liên hệ với họ để hỏi khi nào thì họ đến không?”

Chị H đồng ý không chút chần chừ vì đây vốn là công việc thuộc bộ phận đối ngoại của chị.

Sau 15p, chị quay lại báo cáo với giám đốc:

– “Em vừa liên hệ và trao đổi với bên đó. Họ nói sẽ đến công ty vào thứ 5 hoặc thứ 6 tuần sau.”

– “Cụ thể là mấy giờ? Thứ mấy? Họ sẽ đến bao nhiêu người? Họ sẽ đến đây bằng máy bay hay tàu lửa? – Người sếp lập tức hỏi

Chị H ngơ ngác đáp:

– “Lúc nãy sếp không yêu cầu nên em…”

Anh sếp không nói gì, chỉ lẳng lặng gọi nhân viên mới kia vào và giao nhiệm vụ y hệt.

Trước sự chứng kiến của chị H, anh nhân viên mới báo cáo kết quả công việc:

– “Dạ, em đã confirm với bên họ về lịch trình. Cụ thể họ sẽ hạ cánh lúc 10 giờ sáng thứ sáu tới, khoảng 3 giờ chiều sẽ có mặt tại đây. Họ có tổng cộng 5 người trong đó người dẫn đầu là trưởng bộ phận tiêu dùng, anh Minh. Em đã thông báo với họ rằng công ty sẽ cử người đến sân bay để đón họ ”.

Sếp gật đầu nói:

– “Còn gì nữa không?”

Anh nhân viên mới tiếp lời:

– “Ngoài ra, họ dự định ở lại đây trong hai ngày để khảo sát sản phẩm. Cụ thể về lịch trình thì sau khi tới đây hai bên sẽ trao đổi để nắm rõ hơn. Để thuận tiện cho công việc của họ, em đề nghị bố trí họ ở khách sạn quốc tế gần đó, nếu sếp đồng ý, em sẽ đặt phòng vào ngày mai. Còn một vấn đề nữa, em vừa xem dự báo thời tiết, dự báo tuần sau sẽ có mưa lớn, nên em sẽ giữ liên lạc với họ bất cứ lúc nào. Nếu tình hình thay đổi, em sẽ báo cáo lại với sếp ngay lập tức.”

Sau khi anh nhân viên mới ra ngoài, giám đốc quay sang hỏi chị H:

– “Bây giờ chúng ta hãy nói về chuyện của em nhé!”

Chị H có vẻ ngập ngừng:

– “Không cần đâu ạ! Em hiểu vấn đề rồi.”

Từ câu chuyện trên, nhìn lại thực tế trường hợp của bạn, bạn thấy mình sẽ được gì và mất gì nếu đề nghị sếp tăng lương?

Việc đề xuất tăng lương là cần thiết để bạn có cơ hội được mọi người, đặc biệt là sếp công nhận giá trị của mình. Nhưng đừng quên cân nhắc kỹ trước khi đến gặp sếp của mình nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *