Không giống với một số nước phương Tây, “nghỉ trưa” từ lâu đã trở thành thói quen của người Việt Nam nói riêng và một số nước nói chung. Thói quen này dần hình thành nên nếp sống của người Việt, đặc biệt là trong các gia đình, bố mẹ thường bắt con mình phải ngủ một giấc ngắn sau hồi ăn trưa.
Văn phòng hay nơi làm việc đôi lúc được ví như ngôi nhà thứ hai của người lao động bởi tính chất thời gian. Vì vậy, tương tự, các công ty thường xuyên khuyến khích nhân viên chợp mắt giữa ngày nhằm tăng năng suất lao động vào buổi chiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng dành khoảng thời gian trung bình 1 – 1,5 tiếng nghỉ trưa để “ngủ”.
1. Ăn uống
Rất nhiều người chọn hưởng thụ giờ nghỉ ngơi của mình bằng cách thưởng thức những bữa ăn ngon cùng đồng nghiệp ở hàng quán. Với họ, đây là phương pháp không chỉ có tác dụng nạp năng lượng cho cơ thể mà còn nạp năng lượng cho tinh thần.
2. Tán gẫu
Có những người dành hết khoảng thời gian quý báu giữa ngày để ăn, nhưng cũng có người dành cả thanh xuân để “tán gẫu”. Họ chỉ dành một ít thời gian để ăn, sau đó sẽ giải phóng năng lượng qua những cuộc nói chuyện để tăng hoặc giữ “mood” làm việc cho buổi chiều.
3. Học
Tinh thần học hỏi và phát triển bản thân luôn chiến thắng cơn buồn ngủ đối với những người siêng năng và cầu tiến trong công việc. Những người này thường tận dụng tối đa thời gian yên tĩnh của văn phòng buổi trưa để nghe podcast, rèn luyện kỹ năng, nghiên cứu một vấn đề hay lĩnh vực nào đó.
Với tâm lý “ngủ trưa làm lãng phí thời gian”, ngày càng có nhiều người tập bỏ qua giấc ngủ trưa để làm việc riêng như thói quen của người Mỹ.
Vậy, tóm lại nên ngủ hay không ngủ trưa?
Đây là câu hỏi mà chỉ có chính bạn mới trả lời được. Bởi đối với một số nhóm người, không ngủ trưa chẳng ảnh hưởng gì đến năng suất làm việc hay sức khoẻ của họ. Song, lại có những người nếu không chợp mắt vài ba chục phút thì sẽ vô cùng uể oải trong khoảng thời gian làm việc kế tiếp.
Tuy nhiên, dù là tuýp người nào, bạn cũng nên dành khoảng 10-15 phút sau khi dùng bữa trưa để thả lõng cơ thể và trí não bằng cách chợp mắt hoặc ngồi thiền.
Hãy luôn lắng nghe cơ thể và sức khoẻ của mình nhé!